Kem chống nắng phổ rộng – thần hộ mệnh cho làn da
Năm 2011, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã bắt đầu một quy trình ghi nhãn kem chống nắng mới, có hiệu lực vào năm 2013. Trong đó, có một số loại kem chống nắng được dán nhãn “Broad Spectrum” – quang phổ rộng. Một số chuyên gia làm đẹp khẳng định, nếu không sử dụng kem chống nắng phổ rộng, làn da bạn sẽ không được chống nắng đầy đủ – nguyên nhân số một của lão hóa sớm. Vậy, kem chống nắng phổ rộng là gì?
Tác hại của ánh nắng đối với làn da
Có nhiều loại tia hiện diện trong ánh sáng mặt trời: UVA (tia cực tím A), UVB (tia cực tím B) và UVC (tia cực tím C).
- Tia UVC bị chặn lại ở tầng khí quyển của trái đất nên không ảnh hưởng đến da.
- Tia UVB cung cấp năng lượng cho da tạo nên vitamin D, tuy nhiên nó lại làm da bị sạm (cháy nắng) và gây tổn thương trực tiếp ADN.
- Tia UVA không gây cháy nắng nhưng là nguyên nhân hàng đầu gây ung thư da và lão hóa da. Loại tia này chiếm hơn 90% tất cả các bức xạ UV, và có khả năng xuyên qua các đám mây quanh năm. Và bởi vì chúng thâm nhập vào da sâu hơn, nên chúng có nhiều khả năng liên quan đến tổn thương da và nếp nhăn.
Các loại kem chống nắng thông thường, ngay cả loại có chỉ số SPF cao, cũng không bảo vệ được da bạn khỏi tác hại của tia UVA. SPF là viết tắt của yếu tố chống nắng, một thước đo cho thấy kem chống nắng bảo vệ chống lại tia UVB tốt như thế nào, chứ không phải thước đo chống tia UVA. Muốn bảo vệ da khỏi cả hai loại tia UV, bạn cần dùng tới kem chống nắng phổ rộng.
SPF phổ rộng là gì?
SPF phổ rộng dùng để chỉ các loại kem chống nắng có tác dụng bảo vệ da khỏi cả tia UVA và UVB. Để kem chống nắng được dán nhãn là phổ rộng, FDA sẽ yêu cầu các sản phẩm chống nắng phải trải qua một loạt thử nghiệm để chứng minh rằng chúng bảo vệ da khỏi tất cả các tia UVA và UVB.
Các thành phần trong kem chống nắng phổ rộng gồm có oxit kẽm, octinoxate, octisalate và titanium dioxide.
Lưu ý khi dùng kem chống nắng
– Chỉ những loại kem chống nắng phổ rộng có giá trị SPF từ 15 trở lên mới có khả năng giảm nguy cơ ung thư da và lão hóa da sớm, với điều kiện chúng được sử dụng theo chỉ dẫn và kèm theo các biện pháp chống nắng khác (như mặc áo tay dài, đội mũ rộng vành, đeo kính râm). Kem chống nắng không phổ rộng và kem chống nắng phổ rộng có giá trị SPF trong khoảng từ 2 đến 14 chỉ có thể giúp ngăn ngừa cháy nắng.
– Thoa lượng lớn kem chống nắng lên da 30 phút (15 phút đối với da khô) trước khi bạn ra ngoài trời, thoa lại sau mỗi 2 giờ.
– Sử dụng kem chống nắng trên tất cả các bề mặt da sẽ tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, chẳng hạn như cổ, đỉnh bàn chân, tai… Đồng thời, cần thoa son dưỡng môi hoặc son môi có SPF ít nhất 30.
– Tia UV có thể xuyên qua các đám mây. Do đó, bạn nên sử dụng kem chống nắng ngay cả khi trời nhiều mây.
– Kiểm tra hạn sử dụng của kem chống nắng trước khi dùng. Không thoa lên da loại kem gần hết hạn sử dụng.
– Tránh sử dụng kem chống nắng cho trẻ dưới 6 tháng tuổi. Thay vào đó, hãy cố gắng hạn chế trẻ tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.
Thoa kem chống nắng phổ rộng SPF15 mỗi ngày, ngay cả vào những ngày nhiều mây hoặc những ngày bạn ngồi trong văn phòng, là chìa khóa để bạn duy trì làn da khỏe mạnh, tránh lão hóa sớm và ngăn ngừa ung thư da.
Nguồn tham khảo:
Broad Spectrum Sunscreen: What It Is And Why It’s A Must – https://www.blockislandorganics.com/Blog/post/2014/04/30/Broad-Spectrum-Sunscreen-What-It-Is-and-Why-Its-a-Must.aspx